Bạch thược là còn được biết đến với tên gọi quen thuộc là mẫu đơn. Vị thuốc này có tác dụng dưỡng huyết, giảm đau, nhuận gan nên được dùng phổ biến trong các bài thuốc chữa đau nhức, tả lỵ, thống kinh nguyệt, băng huyết…
- Tên khoa học: Paeonia lactiflora Pall. – Họ: Mao lương ( Ranunculaceae).
- Bộ phận dùng
Rễ thu hái từ cây 3 – 5 tuổi vào hè – thu, rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu đuôi và rễ con, gọt bỏ vỏ ngoài, cho vào nước sôi, đun sơ qua, vớt ra, đảo hoặc lăn tròn, rồi phơi hay sấy khô.
Rễ hình trụ tròn, hai đầu đều nhau hoặc một đầu hơi to hơn, thẳng hoặc hơi cong queo, dài 10 – 20 cm. đường kính 1 – 2 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt hoặc màu phấn trắng, chỗ chưa cạo hết vỏ có màu nâu xám, đôi khi có đường nhăn dọc rõ rệt.
- Tác dụng dược lý
– Tác dụng kháng khuẩn: Cao nước bạch thược có tác dụng kháng khuẩn trên Shigella, Vibrio cholerae. Staphylococcus, Salmonella, Corynebacterium diphtheriae.
– Tác dụng trên co bóp ruột thỏ cô lập:
+Nước sắc bạch thược, ở nồng độ thấp gây ức chế, nồng độ cao, lúc đầu hưng phấn, sau ức chế.
+Nước sắc bài “bạch thược cam thảo thang” (công thức xem ở dưới), liều thấp có tác dụng kích thích sự co bóp bình thường, liều cao gây ức chế.
+Nếu kích thích ruột thỏ từ trước bằng acetylcholin hoặc histamin, tác dụng ức chế rất rõ.
– Tác dụng kháng cholin: Cao methanol 50% và hoạt chất paeoniflorin có tác dụng anticholinergic trên chuột cống trắng in vivo mà biểu hiện là tác dụng chống co thắt, chống tiêu chảy. Ngoài ra, còn tác dụng giảm đau.
- Tính vị công năng
Bạch thược có vị đắng chua, hơi chát, vào 3 kinh can, tỳ, phế, có tác dụng bình can, chỉ thống, dưỡng huyết, điều kinh, liễm âm, chỉ hàn, tiêu viêm, làm mát, lợi tiểu.
- Công dụng
Bạch thược chữa đau bụng, tả lỵ do ruột co bóp quá mạnh, lưng ngực đau, chân tay nhức mỏi, nhức đầu, mắt hoa, bệnh về mạch như viêm mạch huyết khối, tắc mạch, nghẽn mạch não, kinh nguyệt không đều, bế kinh, xích bạch đới, mồ hôi trộm, tiểu tiện khó. Ngày 6 – 12g dạng thuốc sắc.
Để sống có tác dụng mát dịu, chữa đau cơ bắp, nhức đầu hoa mắt, trị tả lỵ, cảm mao, giải nhiệt, tiểu tiện khó, mồ hôi trộm
Sao tẩm chữa kinh nguyệt không đều, xích bạch đới, bế kinh
Ý kiến của bạn