Đinh lăng có tên khoa học Polyscias Fruticosa (L), họ ngũ gia bì (Araliaceae), là một loài dược liệu được dùng phổ biến để làm rau gia vị và làm thuốc.Đinh lăng là một loại cây rất phổ biến, được trồng ở nhiều nơi tại Việt Nam và một số quốc gia khác bởi những công dụng tốt cho sức khỏe con người mà nó mang lại được ví như nhân sâm.
Những nghiên cứu khoa học của cây Đinh lăng
Theo y học cổ truyền, Đinh lăng được sử dụng với tác dụng:
- Lá chữa cảm sốt, sưng tấy và mụn nhọt.
- Rễ dùng làm thuốc bổ, lợi tiểu.
- Thân và cành cây đinh lăng chữa tê thấp, đau nhức lưng.
Theo nghiên cứu vào năm 2000-2007 của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hương và công sự tại Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM, cây đinh lăng có tác dụng:
- Tăng cường thể lực và giảm stress với khả năng kích thích hoạt động của não bộ, chống mệt mỏi và giảm âu lo, tăng cường miễn dịch.
- Giảm đau nhức xương khớp.
- Kháng viêm, giảm sưng.
- Hỗ trợ cải thiện hoạt động tiểu tiện.
- Bảo vệ gan.
- Kháng histamin và điều trị hen suyễn với dịch chiết cồn từ cây đinh lăng.
- Tăng cường trí nhớ và tăng tuổi thọ (được thực nghiệm trên chuột già).
Cụ thể những tác dụng của từng bộ phận cây Đinh lăng
-
Tác dụng chữa bệnh của lá Đinh lăng
Khi bị các triệu chứng bệnh đường tiêu hóa như khó tiêu, tiêu chảy, đầy hơi,… bạn có thể lấy lá đinh lăng nấu nước uống để chữa trị. Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị lá đinh lăng tươi và rửa sạch.
- Sau đó cho vào nồi và nấu sôi lên cùng với nước.
- Khi thấy nước đã sôi kỹ thì chắt lấy nước uống trong ngày.
Tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở thận của lá Đinh lăng: Cây đinh lăng thường được dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở thận, nhất là sỏi thận nhờ vào tác dụng lợi tiểu. Đơn giản bạn chỉ cần lấy lá đinh lăng ép lấy nước uống và duy trì uống hằng ngày để đạt được hiệu quả chữa trị như mong đợi.
Cây đinh lăng có tác dụng đối với da liễu: Lá đinh lăng không chỉ dùng nấu nước để uống mà dùng dược liệu này đắp ngoài cũng mang lại hiệu quả điều trị mụn và các tổn thương ngoài da tốt.
Để điều trị mụn bằng lá đinh lăng, bạn có thể tham khảo cách thực hiện như sau:
- Lấy lá đinh lăng tươi đi rửa sạch, cho thêm ít hạt muối vào và giã nhuyễn.
- Sau đó dùng hỗn hợp này đắp lên vùng da đang có mụn, chờ cho đến khi chúng khô lại thì bỏ đi và rửa sạch lại với nước.
- Thực hiện mỗi ngày một lần vào buổi tối trước khi ngủ và nên duy trì khoảng 2 tuần để quan sát được hiệu quả giảm mụn và mịn da từ phương pháp này.
Trường hợp bị thương và chảy máu, bạn cũng có thể giã một nắm lá đinh lăng tươi và đắp lên vết thương. Lá đinh lăng có tác dụng cầm máu và giúp vết thương mau lành hơn. Lưu ý: khi dùng lá đinh lăng đắp ngoài da luôn phải rửa sạch lá trước khi sử dụng, để tránh gây nhiễm trùng.
Tác dụng cây đinh lăng chữa đau lưng
Tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều có thể sử dụng để chữa chứng đau lưng. Với lá đinh lăng, bạn đem đi rửa sạch, giã nhuyễn và đắp vào vùng lưng bị đau 2 lần một ngày, cơn đau sẽ cải thiện đáng kể. Ngoài ra, để chữa chứng đau nhức lưng, thân và cành cây đinh lăng cũng được dùng để nấu nước uống theo cách làm như sau:
- Chuẩn bị khoảng 20-30g thân và cành cây đinh lăng, đem chúng đi rửa sạch rồi cắt thành từng khúc ngắn. Sau đó cho vào nồi cùng với nước và đun sôi để uống hằng ngày.
- Uống liên tục khoảng 10-15 ngày sẽ thấy đau lưng được cải thiện bớt.
Chữa và phòng ngừa dị ứng từ lá Đinh lăng: Những người có cơ địa dị ứng hoặc có dấu hiệu dị ứng thì có thể uống nước lá đinh lăng để ngăn ngừa tình trạng này. Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị khoảng 150g – 200g lá đinh lăng tươi, đem rửa sạch.
- Đun sôi khoảng 200ml rồi cho lá đinh lăng vào, đậy nắp kín. Mở nắp và dùng đũa đảo đều mỗi vài phút một lần.
- Khoảng 5-7 phút ngâm, chắt lấy nước uống.
- Bạn có thể giữ lại bả lá sau lần uống đầu, cho thêm khoảng 200ml nước vào đun sôi lên lại là dùng được.
Đinh lăng có tác dụng cho phụ nữ sau sinh
Tác dụng cây đinh lăng với phụ nữ sau sinh thường chủ yếu để bồi bổ, tăng cường sức khỏe cho các mẹ sau khi “vượt cạn”. Vì thế, có thể dùng lá nấu nước uống hoặc nấu canh đinh lăng với thịt, cá để tẩm bổ. Lưu ý: khi nấu canh với lá đinh lăng không nên nấu chín kỹ sẽ khiến mất nhiều dưỡng chất và nên ăn canh lá đinh lăng khi còn nóng.
Lá đinh lăng có tác dụng chữa tắc tia sữa sau sinh: Bên cạnh tác dụng bồi bổ sau sinh, cây đinh lăng còn được dùng như bài thuốc chữa tắc tia sữa sau sinh cho sản phụ bị tắc tia sữa hoặc ít sữa. Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị khoảng 400g lá đinh lăng, rửa sạch.
- Sắc với 300ml nước ở lửa nhỏ, đun đến khi còn khoảng 200ml thì tắt bếp, lấy nước uống khi còn ấm.
Lưu ý: Nước nấu lá đinh lăng chỉ nên cho sản phụ uống khi còn ấm nên nếu nguội thì có thể đun lại để uống, không uống khi nước nguội lạnh hay để qua đêm.
Lá đinh lăng có tác dụng chữa mất ngủ: Chuẩn bị lá đinh lăng 24g; lá vông và tang diệp mỗi vị 20g; tâm sen 12g; liên nhục 16g. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi và đun sôi với khoảng 400ml nước, đun nhỏ lửa cho đến khi sắc lại còn 150ml thì tắt bếp và chắt lấy nước uống 2 lần/ngày.
Ngoài bài thuốc này, bạn cũng có thể lấy lá đinh lăng khô rang vàng hạ thổ rồi đem làm gối. Cách này sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn, giấc ngủ sâu hơn và sảng khoái tinh thần sau khi ngủ dậy.
Một số lưu ý khi sử dụng cây đinh lăng chữa bệnh
Như chúng ta biết, rễ và lá đinh lăng được sử dụng nhiều trong hỗ trợ điều trị bệnh, nhưng phần thân cây cũng có thể dùng làm thuốc. Thân cây đinh lăng mặc dù có lượng dược chất ít hơn nhưng vẫn có nhiều công dụng đối với sức khỏe khi kết hợp với các dược liệu khác như cây xấu hổ, cúc tần, cam thảo dây…
Cách làm: dùng 20 – 30g thân cây đinh lăng đem đi sắc lấy nước uống hàng ngày.
Lưu ý
Mặc dù không thể phủ nhận những tác dụng cây đinh lăng đem lại cho sức khỏe là rất tốt nhưng trước khi sử dụng loại dược liệu này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết liều lượng và cách sử dụng đúng cách.
Bởi dù các bài thuốc từ đinh lăng đều an toàn và dễ thực hiện nhưng nếu sử dụng liều quá cao, thành phần saponin trong dược liệu này có thể gây chóng mặt, hoa mắt và mệt mỏi,…Đặc biệt không sử dụng cây đinh lăng cho phụ nữ mang thai để tránh nguy cơ bị sảy thai.
Ý kiến của bạn