Đương quy – loài sâm quý ít người biết tới

71 views

Cây Đương quy có tính ôn, vị ngọt, cay, tác dụng hoạt huyết, bổ huyết, điều huyết…Trong y học, cây Đương quy là loại thảo dược quý hiếm, được sử dụng thường xuyên trong nhiều bài thuốc. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây!

  1. Tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv) Deils -Họ: Hoa tán (Apiaceae)

– Đương quy Trung quốc: Angelica sinensis (Oliv) Deils

– Đương quy Nhật bản: Angelica acutiloba (Sieb. Et Zucc) Kitagawa

 

 

  1. Bộ phận dùng

Rễ đương quy trồng được 3 tuổi, đào vào mùa thu, cắt bỏ rễ con, bổ thành bó nhỏ, xếp lên giá, đốt xông nóng (không đốt trực tiếp), cho đến khi dược liệu có màu đỏ tươi hay màu vàng kim tuyến, rồi sấy than. Theo kinh nghiệm nhân dân Trung Quốc, không phơi chỗ râm mát (đương quy có màu xanh) và cùng không phơi nắng (mất tinh dầu).

Đương quy được phân thành nhiều loại: quy dâu gồm phần đầu của rễ chính, đường kính 1,5 – 4cm, đầu tù và tròn, còn mang vết tích của lá; quy thân là rễ đã loại bỏ phần đầu và đuôi; quy vĩ là phần rễ phụ hay rễ nhánh, đường kính 0,3 – 1cm và toàn quy gồm cả rễ cái và rễ phụ.

Rễ to, thịt chắc, dẻo màu trắng hồng, nhiều tinh dầu, có mùi thơm đặc biệt, vị ngọt sau cay, là loại tốt.

  1. Tác dụng dược lý

– Đương quy Nhật Bản di thực trồng ở Việt Nam có tác dụng:

  • Có hoạt tính trên chức năng nội tiết sinh dục động vật cái, gây tác dụng kiểu oestrogen và progesterone yếu.
  • Rễ và lá có tác dụng hướng sinh dục yếu trên chuột cống trắng cái non, tác dụng này không ổn định. Dược liệu không có tác dụng hướng sinh dục yếu trên chuột cống đực non.
  • Rễ và hạt gây tăng trương lực và biên độ co bóp tử cung cô lập và tại chỗ của động vật thí nghiệm.
  • Rễ có tác dụng tăng lực rõ rệt trong thí nghiệm chuột nhắt trắng bơi gắng sức.
  • Rễ có tác dụng tăng sức đề kháng cơ thể động vật trong thí nghiệm gây độc với amoniac một cách rõ rệt.
  • Rễ có tác dụng chống viêm đối với cả 2 giai đoạn cấp và mạn tính của phản ứng viêm thực nghiệm và không có tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột non.
  • Như vậy, đương quy có đặc điểm tác dụng chống viêm tương tự các thuốc chống viêm phi steroid, tác dụng chống viêm không kèm theo tác dụng ức chế miễn dịch.
  • Độc tính cấp tính của rễ và hạt đương quy rất thấp. Rễ có độc tính cấp tính thấp hơn so với hạt.

– Đương quy Trung Quốc có tác dụng: Bài thuốc Tứ vật trong đương quy Trung Quốc đã được nghiên cứu trên bệnh thiếu máu thực nghiệm gây bằng acetat chì, có tác dụng làm tăng số lượng hồng cầu và tỷ lệ huyết sắc tố của động vật gây thiếu máu.

– Tác dụng trên trung khu thần kinh: Tinh dầu của dương quy có tác dụng trấn tĩnh hoạt động của đại não. Lúc đầu thì hưng phấn trung khu tủy sống, sau tê liệt, đưa đến huyết áp hạ thấp, nhiệt độ cơ thể hạ thấp, mạch đập chậm lại và có hiện tượng co quắp, nhưng nếu tiêm dưới da thỏ thì các hiện tượng trên không rõ rệt, chỉ thấy liệt hô hấp trước rồi đến liệt tim.

– Tác dụng trên huyết áp và hô hấp:

+Theo Schmidt. Y Bác An và Trần Khắc Khôi (1924 Chinese Med. J. 38;362) Tinh dầu của đương quy có tác dụng hạ huyết áp, nhưng thành phần không bay hơi của đương quy lại có tính chất làm co cơ trơn ở thành mạch máu làm cho huyết áp tăng cao

+Theo Lưu Thiệu Quang, Trương Phát Sơ, Trương Thiệu Đức (1935 Trung hoa y học tạp chí 21:611) đã theo dõi tác dụng của tinh dầu đương quy trên huyết áp và hô hấp thì thấy tùy theo liều lượng lớn nhỏ tinh dầu tiêm vào mạch máu mà có tác dụng khác nhau.

Liều nhỏ: Huyết áp hơi hạ thấp, hô hấp hơi bị kích thích hoặc bị ảnh hưởng rất ít

Liều trung bình: Huyết áp hạ thấp nhiều hơn và hô hấp khó khăn

Liều lớn: Huyết áp hạ rất nhanh, hô hấp khó khăn rõ rệt, cuối cùng hô hấp nhừng lại gây chết.

– Tác dụng trên cơ tim: Tác dụng của đương quy giống tác dụng của Quinidin, thành phần chủ yếu có trong tác dụng này nằm trong phần tan trong ete etylic.

– Tác dụng kháng sinh: có tác dụng kháng sinh đối với trực trùng lỵ và tụ cầu trùng.

  1. Tính vị, công năng

Đương quy có vị ngọt hơi đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, thông kinh, dưỡng gân, tiêu sưng, nhuận tràng.

  1. Công dụng

Đương quy là vị thuốc dùng rất phổ biến trong đông y, là đầu vị trong thuốc chữa bệnh cho phụ nữ, đồng thời được chỉ định trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh như thuốc chữa thiếu máu, đau đầu, cơ thể gầy yếu, suy tim, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, tê liệt, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứa huyết, kinh nguyệt không đều, đau kinh, bể kinh (uống trước khi thấy kinh 7 ngày). Ngày uống 10 – 20g, dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc.

Trong Y học cổ truyền Trung Quốc và Nhật Bản, đương quy được dùng điều trị kinh nguyệt không đều, huyết ứ trệ, đau kinh, bể kinh, sa tử cung, chảy máu, phong thấp, mụn nhọt, táo bón, hói đầu, thiếu máu, lao phổi, tăng huyết áp, ung thư và làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm. Phụ nữ uống nước sắc đương quy vài ngày tới trước khi đẻ sẽ dễ đẻ và giảm đau khi đẻ.

  • Bình luận Facebook
  • Bình luận mặc định

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn